Ngành cơ khí bỏ ngỏ “sân nhà”
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020, nhiều sản phẩm như: thiết bị đồng bộ, đóng tàu, lắp ráp ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị điện, máy xây dựng, phụ tùng cơ khí đã có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Doanh thu về sản phẩm cơ khí tăng đều trên 20% trong khoảng 10 năm. Tuy nhiên, có một nghịch lý là nhiều dự án cơ khí trong nước đều rơi vào tay các nhà thầu nước ngoài, trong đó số đông là nhà thầu Trung Quốc. Trong khi đó, không ít dự án doanh nghiệp trong nước có thể làm được.
Chỉ tính riêng từ năm 2003 đến 2011, nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC 5/6 dự án hóa chất, 2/2 dự án chế biến khoáng sản, 49/62 dự án xi măng và nhiều dự án giao thông. Riêng về nhiệt điện, có 16/27 dự án do Trung Quốc làm tổng thầu. Điều đáng nói, các dự án này bị chậm tiến độ từ 3 tháng đến 3 năm, chất lượng thiết bị không đồng đều, một số thiết bị phụ trợ chất lượng thấp thường bị thay thế.
Ở một số dự án, diễn ra tình trạng thay đổi thiết bị so với cam kết ban đầu, thay đổi tiêu chuẩn vật liệu; thay đổi hoặc bổ sung nhà cung cấp, dẫn tới đội giá hợp đồng. Đáng chú ý, nhiều nhà thầu đã đưa vật tư sắt thép, phụ tùng, phụ kiện có thể chế tạo tại Việt Nam và cả lao động phổ thông sang các công trình mà họ làm tổng thầu. Đối với các công trình lớn như các nhà máy Nhiệt điện Cà Mau, Nhơn Trạch 1, Uông Bí… dù được giao cho các doanh nghiệp trong nước làm tổng thầu EPC, nhưng hầu hết phần thiết bị có giá trị cao lại được các nhà thầu Việt Nam giao cho các nhà thầu phụ nước ngoài đảm nhiệm.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí Nguyễn Chỉ Sáng, trong số 21 nhà máy xi măng, loại trừ xi măng Sông Thao do Tổng công ty Lắp máy Việt Nam làm tổng thầu EPC có tỷ lệ nội địa hóa 40%. Các dự án còn lại do Trung Quốc làm tổng thầu thì tỷ lệ nội địa hóa là 0%! Ngay cả các dự án của ngành than cũng lựa chọn giải pháp nhập khẩu các thiết bị cơ khí thay vì thiết kế và chế tạo trong nước.
Việc để các nhà thầu nước ngoài “thâu tóm” hầu hết các dự án trọng điểm đã dẫn đến hệ lụy là nhân công của ngành cơ khí trong nước mất việc, gia công đạt giá trị gia tăng thấp, còn nền kinh tế bị thiệt hại toàn diện. Tiêu biểu như tại Nhà máy alumin Lâm Đồng, nhà thầu Trung Quốc “ôm” gói thầu 466 triệu USD, nhưng chỉ giao lại cho Việt Nam 170 tỷ đồng, không tới 8 triệu USD. Tương tự, Nhà máy alumin Nhân Cơ có giá trị hợp đồng 499 triệu USD, thì giao thầu phụ Việt Nam vỏn vẹn có 53 tỷ đồng, khoảng 2,5 triệu USD!
Rào cản chính sách
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do các chính sách hiện nay chưa ủng hộ, thậm chí gây bất lợi cho doanh nghiệp cơ khí trong nước. Trong đó, rào cản của Luật Đấu thầu là một minh chứng, khi quá ưu tiên các nhà thầu có giá bỏ thầu thấp nhưng chưa quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ về chất lượng thiết bị.
Đây không chỉ là nguyên nhân khiến các nhà thầu trong nước vốn rất yếu về thực lực tài chính thua Trung Quốc, mà ngay cả các nhà thầu giàu tiềm lực trên thế giới cũng khó vượt qua. Đối với vấn đề tài chính, nhiều dự án thực hiện chỉ định thầu EPC là do nhà thầu Trung Quốc thu xếp từ nguồn vay Trung Quốc với lãi suất thấp, thủ tục vay đơn giản càng khiến các nhà thầu khác không thể cạnh tranh về giá.
Theo ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch VAMI, để ngăn chặn tình trạng này, Chính phủ cần có biện pháp giám sát, kiểm tra, chế tài việc nhiều dự án trọng điểm quốc gia như nhiệt điện, khai khoáng, xi măng… do nhà thầu Trung Quốc thực hiện, không tạo điều kiện cho thầu phụ trong nước, đặc biệt là những dự án sử dụng lao động phổ thông trong công trình.
Trên thực tế, ngoài một số nỗ lực đã đạt được, trong thời gian qua ngành cơ khí trong nước còn một số hạn chế, trong đó rất thiếu vốn để đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, nâng cao công nghệ. Theo VAMI, hiện có tới 50% các doanh nghiệp thuộc hội đang thiếu vốn. Do không có vốn, doanh nghiệp không thể đổi mới trang thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất, dẫn đến sức cạnh tranh còn yếu so với nước ngoài. Do đó, hiện 80% thị trường cơ khí trong nước thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, những khâu quan trọng như đúc, tạo phôi, công nghệ nhiệt luyện, thiết kế và đào tạo nguồn nhân lực... cũng chưa được đầu tư nhiều. Vì vậy, mặc dù tỷ lệ nội địa hóa đã được nâng lên trong các năm qua nhưng tỷ lệ gia tăng về giá trị gia tăng của ngành còn thấp. Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp Phan Đăng Tuất, hiện mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 18 tỷ USD máy móc thiết bị.
Điều này cho thấy thị trường Việt Nam rất tiềm năng, nhưng ngành cơ khí với một số hạn chế nhất định, không thể có tham vọng tự chế tạo và thay thế hoàn toàn nhập khẩu. Do đó, trước mắt để đưa ngành cơ khí Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cần ưu tiên phát triển những sản phẩm, công đoạn mà Việt Nam có thế mạnh hoặc có thị trường tiêu thụ lớn. Mặt khác, lựa chọn một số sản phẩm cơ khí chế tạo trong nhóm sản phẩm cơ khí trọng điểm để tập trung đầu tư. Đặc biệt, nên dành vốn hoặc bảo lãnh cho vay nước ngoài để gấp rút đầu tư những nhà máy quan trọng, có công nghệ tiên tiến để chế tạo thiết bị đồng bộ.